Hướng đi mới của ngành giấy

Tận dụng những phế phẩm như dăm mảnh gỗ vụn, bùn thải, vỏ cây… nhóm các nhà khoa học Viện Kỹ thuật Hóa học (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) đang tiến hành nghiên cứu công nghệ sản xuất protein đơn bào để ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây được xem là hướng nghiên cứu xanh, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nghiên cứu công nghệ sản xuất protein đơn bào từ nguồn phụ phẩm ngành giấy

Chủ động nguồn nguyên liệu

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất protein đơn bào từ nguồn phụ phẩm ngành giấy và ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi”, thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, do Bộ Công Thương giao Viện Kỹ thuật Hóa học triển khai.

PGS.TS Lê Quang Diễn – chủ nhiệm đề tài – cho biết, protein đơn bào được xem là nguồn cung cấp protein ổn định của tương lai, nhằm đáp ứng nhu cầu của con người, cũng như làm nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc. Đặc biệt, protein đơn bào được sản xuất trên các chế phẩm nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, trong đó có phế phẩm ngành công nghiệp giấy. Do đó, đây được xem là hướng nghiên cứu góp phần phát triển môi trường bền vững.

Theo PGS.TS Lê Quang Diễn, hiện nay nguyên liệu giấy chủ yếu là gỗ keo (chiếm tới 70% nguyên liệu sử dụng). Sản lượng dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy của cả nước đạt 7 – 8 triệu tấn/năm, sử dụng cho sản xuất bột giấy trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong quá trình chế biến dăm mảnh (chặt mảnh), 2% dăm mảnh vụn được tạo thành, có thể thu được trong quá trình sàng chọn và rửa dăm mảnh. Như vậy, lượng phế liệu gỗ dưới dạng dăm mảnh vụn có thể đạt hàng ngàn tấn, tập trung ở các doanh nghiệp sản xuất bột giấy và chế biến dăm mảnh.

Về tính chất, dăm mảnh vụn có thành phần hóa học tương đương gỗ (hàm lượng polysacccarit đạt > 70%) nhưng do có kích thước quá nhỏ, nên không phù hợp làm nguyên liệu sản xuất bột giấy. Hơn nữa, dăm mảnh vụn là dạng vật liệu lignocellulose ít bị phân hủy sinh học và dễ thu gom, tồn trữ. “Vì vậy, việc tận dụng loại phế liệu này để chuyển hóa thành đường, sử dụng cho sản xuất protein vi sinh làm thức ăn chăn nuôi là phù hợp” – PGS.TS Lê Quang Diễn cho hay.

Đáp ứng nhu cầu trong nước

Mục tiêu của đề tài là tuyển chọn được chủng giống nấm men phát triển trên đường chuyển hóa từ phế liệu gỗ keo tai tượng; xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị quy mô bán công nghiệp sản xuất protein đơn bào từ phế liệu gỗ keo tai tượng, ứng dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Quy trình công nghệ sản xuất protein đơn bào từ phế liệu gỗ keo tai tượng, được xây dựng trên cơ sở công nghệ hiện đại sản xuất protein từ nguyên liệu lignocellulose trên thế giới, quy mô tương đương bán công nghiệp, có thể chuyển đổi thành quy mô sản xuất lớn. Trong nước chưa có công nghệ tương tự.

PGS.TS Lê Quang Diễn cho rằng, nhu cầu về protein đơn bào làm thức ăn chăn nuôi rất lớn. Vì vậy, thành công của đề tài sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp giấy, có thể chuyển giao công nghệ này cho các doanh nghiệp chế biến dăm mảnh nguyên liệu giấy, sản xuất bột giấy, sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước cũng như hợp tác với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm như một đối tác nguồn cung cấp thức ăn có giá trị dinh dưỡng đảm bảo và ổn định.

Thông qua việc triển khai đề tài, các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu sẽ giải quyết được vấn đề xử lý chất thải sản xuất bằng công nghệ phù hợp, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu trong nước về thức ăn chăn nuôi.

Nguồn: congthuong.vn