Năm 2020 – Khó khăn, thách thức và bứt phá của Ngành giấy Việt Nam

Một năm đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam và Ngành giấy Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thị trường biến động, chính sách điều hành kinh tế trong bối cảnh đại dịch đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hội viên, nhưng với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (Hiệp hội) đã thực sự đồng hành với với các Hội viên, với Ngành đưa Ngành Giấy có những bước phát triển đột phá trong năm 2020.

Mặc dù năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như đối với các doanh nghiệp Ngành giấy do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp Ngành giấy Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Nối tiếp năm 2019, một năm hoạt động với nhiều sự kiện nổi bật và thành công, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam trong năm 2020 vẫn tiếp tục khẳng định được uy tín và trách nhiệm trong số các Hiệp hội Ngành nghề, tiếp tục là cầu nối giữa các doanh nghiệp Hội viên với các Bộ, Ngành và cơ quan quản lý nhà nước.

Số lượng hội viên của Hiệp hội vẫn được duy trì ở con số 85 như trong năm 2020, nhưng có sự thay đổi về chất và cơ cấu hội viên. Số lượng các hội viên sản xuất giấy và bao bì gia tăng, các hội viên của Hiệp hội luôn tích cực tham gia các hoạt động chung của Hiệp hội, tích cực đề xuất, đóng góp ý kiến vào các công tác chung của Hiệp hội. Mặc dù trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, vừa phải thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống dịch, nhưng Hiệp hội vẫn tổ chức hoạt động bình thường, với mục tiêu nhằm hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch nên Văn phòng không tổ chức được một số các hoạt động đã lên kế hoạch từ đầu năm như tổ chức các hội thảo về lò hơi đồng đốt trong các nhà máy giấy, hội thảo về kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy; hội nghị toàn thể hội viên và hội thảo kỹ thuật ngành giấy năm 2020. Tuy vậy, trong năm 2020, Văn phòng Hiệp hội vẫn tích cực phối hợp tổ chức các buổi làm việc và trực tiếp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và một số cơ quan quản lý Nhà nước khác.

Với mục tiêu hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho hội viên, Hiệp hội luôn đồng hành cùng với các Hội viên, thúc đẩy các hoạt động, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước nhiều chính sách có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển bền vững, sản xuất xanh và hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn trong Ngành Giấy. Kịp thời theo dõi và báo cáo với các Bộ, Ngành về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, cũng như kịp thời nắm bắt và cập nhật thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước và phổ biến tới các hội viên.

Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam mặc dù không phải là cơ quan  chuyên môn về công tác truyền thông, nhưng vẫn thực hiện và duy trì đều đặn các công tác thông tin thường xuyên của Văn phòng: mua sắm thông tin từ nước ngoài, thông tin và dữ liệu hải quan, tổ chức thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, tổ chức dịch thuật, biên tập, sàng lọc thông tin, biên soạn và phát hành đều đặn các Bản tin kinh tế ngành, cập nhật tin lên trang Website, phát hành Tạp chí (online), cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các doanh nghiệp trong ngành và phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước như Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam được Văn phòng Chính phủ đánh giá là một trong số ít Hiệp hội hoạt động tích cực và đạt được nhiều kết quả trong năm 2020. Với ý thức trách nhiệm, luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, vì sự phát triển của doanh nghiệp, Hiệp hội luôn tích cực trong công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và trong năm 2020 đã đạt được một số kết quả như sau:

Góp ý, đề xuất với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan quản lý Nhà nước khác về những bất cập của Nghị định 40/2019/ND-CP và đề xuất một số ý kiến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID với các nội dung như: sự bất hợp lý và tốn kém chi phí trong việc xây dựng hồ xử lý sự cố nước thải trong các nhà máy giấy và bột giấy; việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải và khí thải; gia hạn Giấy xác nhận về môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, gia hạn và không phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường … Trước những ý kiến đề xuất đó của Văn phòng Hiệp hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129 (Nghị quyết thường kỳ tháng 8 của Chính phủ) quyết định: Cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 (thay vì ngày 31 tháng 12 năm 2020);  Cho phép gia hạn đến hết ngày ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời không phải lập lại ĐTM đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định.

Công tác tham gia xây dựng quy chuẩn Việt Nam, tham gia soạn thảo và đề xuất ý kiến cho việc ban hành các QCVN phù hợp với trình độ công nghệ, quy mô kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành cũng rất được chú trọng, như tham dự các buổi thảo luận và góp ý cho việc ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất QD 28/2020/QĐ-TTg thay thế cho quyết định 73/2014/QD-TTg, trong đó mã hàng hóa HS 4707.90.00 (mixed paper) được phép nhập khẩu hết ngày 31/12/2021 (thay vì 31/12/2020); Kiến nghị về việc áp mã HS cho nguyên liệu giấy khi nhập khẩu.

Tham dự tổ soạn thảo Quy chuẩn và có ý kiến bằng văn bản với Bộ TNMT, trong đó có Quy chuẩn 33:2020/BTNMT (Quy chuẩn về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) – Trong QCVN 33:2020 thì cơ quan giám định và thực hiện kiểm tra là Tổ chức giám định độc lập và Hải quan, Sở TNMT không còn đóng vai trò trong việc kiểm tra nhà nước về nhập khẩu phế liệu giấy. Đồng thời, kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sửa đổi các chỉ tiêu về AOX, dioxin-fural trong nước thải của các nhà máy bột giấy và giấy theo quy định của QCVN 12-MT:2015/BTNMT. Kết quả là trong Dự thảo QCVN 40:2021, thay thế cho QCVN 12-MT:2015, đang lấy ý kiến các Bộ Ngành và các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất giấy, dự thảo đã loại bỏ các chỉ tiêu dioxin-fural ra khỏi các nhà máy sản xuất giấy từ nguyên liệu giấy thu hồi, chỉ xem xét áp dụng chỉ tiêu này đối với các nhà máy bột giấy có sử dụng công đoạn tẩy trắng.

Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam không chỉ quan tâm đến việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn tích cực hỗ trợ ngay cả trong công tác tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả các sản phẩm ngành giấy cũng là mối quan tâm của chính các doanh nghiệp và của Văn phòng Hiệp hội. Tháng 12/2020, sau một thời gian dài thảo luận và thống nhất, lần đầu tiên Hiệp hội đã ký Quy chế phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác chống sản xuất và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả các sản phẩm giấy tại thị trường Việt Nam, cũng như họp bàn, thảo luận với Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương  về công tác chống gian lận thương mại về nguồn gốc, xuất xứ, xem xét việc điều tra hành chính chống bán phá giá các sản phẩm giấy in, viết tại thị trường Việt Nam.

Sản xuất tuần hoàn là mô hình sản xuất thực sự phù hợp và thích hợp với Ngành giấy, việc tham dự các hội thảo về kinh tế tuần hoàn, truyền tải thông tin đúng đắn về Ngành giấy cũng được Văn phòng Hiệp hội rất quan tâm, nhằm nâng cao ý nghĩa của nền kinh tế tuần hoàn, phát triển tái chế và tái sử dụng giấy phế liệu. Giấy phế liệu phải là một loại tài nguyên, nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất giấy. Giấy phế liệu không coi là phế thải và không quản lý như quản lý phế thải mà coi như một loại nguyên liệu, hàng hóa thông thường…

Năm 2020 đã qua đi với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cũng là năm Ngành Giấy Việt Nam cũng như các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đánh dấu mức tăng trưởng vượt bậc trong cả đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2020 – với xuất phát là dịch COVID-19, thị trường liên tục xáo trộn và biến động, giá nguyên liệu đầu vào (giấy thu hồi) và chi phí vận tải lên cao, được đánh giá là cao bất thường và chưa từng có trong vòng 20 năm qua. Tuy vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Ngành vẫn có những điểm sáng, nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì khởi chạy và bổ sung cho thị trường với sản lượng đạt tới xấp xỉ 1tr tấn (Marubeni, Khôi Nguyên, Toàn Cầu, Phát Đạt, Tân Huy Kiệt…). Các doanh nghiệp sản xuất giấy tissue Việt Nam cũng đã chuyển hướng đầu tư các dây chuyền sản xuất giấy tissue công suất lớn, hiện đại, thân thiện với môi trường, đưa ra thị trường các chủng loại sản phẩm chất lượng cao tương đương các sản phẩm nhập ngoại, được ưa chuộng ở thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu (Nhà máy giấy Xương Giang, Công ty Giấy Xuân Mai…). Năm 2020, cũng là năm các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì Việt Nam đạt mức xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay với mức tăng trưởng đạt gần 80% so với năm 2019 và đạt 1,6tr tấn.

Mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch covid-19, nhiều hoạt động bị gián đoạn, nhưng với tinh thần trách nhiệm Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, là đại diện đáng tin cậy và có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp Ngành Giấy Việt Nam./.

Nguồn: Công nghiệp giấy; số 1-2021

chat-active-icon chat-active-icon chat-active-icon